Khác biệt giữa "học" với "hành"
Kiến thức lý thuyết được giảng dạy trên giảng đường rất chi tiết,ọcngànhđiềudưỡngLàmdâutrămhọhomestay hà nội cụ thể từng quy trình. Tuy nhiên, việc thực hiện kỹ thuật trên thực tế tương đối khác so với lý thuyết được học.
Huỳnh Thị Thanh Tuyền (sinh viên vừa tốt nghiệp ngành điều dưỡng, Trường ĐH Trà Vinh) cho biết, trong kỹ thuật tiêm và rút máu, nhìn mạch trên mô hình dễ hơn người thật vì mạch của mỗi bệnh nhân sẽ khác nhau. "Với sinh viên, việc không tìm được mạch hay tiêm bị phù là bình thường, nhưng không phải bệnh nhân nào cũng dễ chịu, để mình làm hơn nửa giờ. Tương tự, việc đi kim luồn truyền dịch cũng phải tìm mạch, khó nhất là mạch máu những người bệnh không còn được như người khỏe, phần lớn bị xơ cứng do nhiều lý do", Tuyền giãi bày.
Tương tự, Trương Thị Tú An (sinh viên năm 3 ngành điều dưỡng, Trường ĐH Trà Vinh) cho hay kỹ thuật thông tiểu học trên lý thuyết và thực hành mô phỏng khá trơn tru, nhưng thực tế lại phát sinh vấn đề bởi phản ứng sinh lý.
Về kinh nghiệm thực tập lâm sàng, Thanh Tuyền chia sẻ: "Các bạn học điều dưỡng phải nhìn nhiều, làm nhiều đến khi nhìn quen góc, làm quen tay thì mới thạo, làm sơ suất có thể ảnh hưởng mạng người nên phải tuyệt đối tỉ mỉ, cẩn trọng, chính xác".
"Giữa lý thuyết và thực hành chỉ liên quan tương đối, nhưng lý thuyết vẫn là nền tảng phải nắm chắc mới có thể làm chuẩn trên lâm sàng", Trịnh Phương Thủy (sinh viên năm 4 ngành điều dưỡng, chuyên ngành gây mê hồi sức, Trường ĐH Y Dược TP.HCM) chia sẻ.
Thiếu sự tin cậy từ bệnh nhân và người nhà
Sinh viên điều dưỡng cần thực hành nhiều mới có thể thành thạo kỹ thuật. Dù vậy, không phải bệnh nhân hay người nhà nào cũng đủ lòng tin để sinh viên thực hiện thao tác. "Có lúc bệnh nhân nguy kịch, toàn đội ngũ tập trung cấp cứu, người nhà lại ùa vào la hét sao bác sĩ, điều dưỡng không làm mà để sinh viên làm", Huỳnh Thị Thanh Tuyền kể.
Cau có, la lối mất trật tự là phản ứng của một số người nhà bệnh nhân khi họ phải chờ đợi khi sinh viên thực tập còn quá nhiều việc phải xử lý. Vì thế, sinh viên thường đùa "làm điều dưỡng như làm dâu trăm họ". Thanh Tuyền kể: "Có lần, sinh viên hỗ trợ ép tim, bóp bóng (kỹ thuật thực hiện ở người bệnh ngừng thở hoặc ngừng tuần hoàn nhằm tạo nhịp thở, cung cấp oxy) cho bệnh nhân mà người nhà cứ cự cãi, cầm điện thoại quay video nói những lời không hay. Lúc bấy giờ, cả đội buộc phải gọi bảo vệ giải quyết". Lần khác, người nhà bệnh nhân phải đợi do đội ngũ y tế đang xử lý công việc nên họ chửi bới, dùng mũ bảo hiểm đánh vào trúng sinh viên, theo Thanh Tuyền.
Chưa kể, học tập và làm việc trong môi trường bệnh viện, sinh viên điều dưỡng luôn phải sẵn sàng tâm thế đối diện với nguy cơ lây nhiễm bệnh từ bệnh nhân.
Đòi hỏi người học phải kiên trì, rèn luyện bản thân liên tục
Trả lời Báo Thanh Niên, thạc sĩ-bác sĩ Bùi Đình Hoàn, cố vấn học tập, giảng viên phụ trách giáo tài bộ môn gây mê hồi sức tại Trường ĐH Y Dược TP.HCM, không phủ nhận lý thuyết và thực tế có sự khác biệt nhất định.
Bác sĩ Hoàn lưu ý: "Sinh viên phải ôn tập, rèn luyện kỹ những gì đã học sao cho tự tin nhất, đồng thời cần xin ý kiến bệnh nhân trước khi thực hiện kỹ thuật. Phía bệnh viện cần đảm bảo có nhân viên ở đó quan sát hoặc chịu trách nhiệm. Hoặc giảng viên hướng dẫn có thể chuẩn bị bệnh nhân trước cho sinh viên thực hành nhằm tránh mâu thuẫn giữa sinh viên, bệnh nhân và người nhà".
"Mỗi trường thường có trung tâm đảm bảo chất lượng thường xuyên khảo sát thực tế, liên tục cập nhật chương trình đào tạo cho phù hợp. Do vậy, khi nhận thấy có trường hợp khác biệt, sinh viên nên chủ động phản hồi cho trung tâm đảm bảo chất lượng để trung tâm đánh giá lại trên thực tế nhằm góp phần nâng cao chất lượng giáo dục", bác sĩ Hoàn nói.
Về nguy cơ lây nhiễm bệnh từ bệnh nhân, bác sĩ Hoàn nhận định: "Việc ngừa lây nhiễm không chỉ từ bệnh nhân cho sinh viên mà cả từ sinh viên cho bệnh nhân, cũng như từ môi trường bệnh viện cho bệnh nhân và sinh viên. Sinh viên phải nắm vững kiến thức kiểm soát nhiễm khuẩn, tuân thủ nội quy kiểm soát nhiễm khuẩn của bệnh viện… đồng thời cần nâng cao ý thức tự đề phòng, không được chủ quan".
Theo bác sĩ Hoàn, điều dưỡng là nghề đòi hỏi người học phải kiên trì, rèn luyện bản thân liên tục. "Muốn theo được nghề các bạn phải có kỹ năng ứng xử tốt để tránh mâu thuẫn với bệnh nhân, người nhà hay ê kíp điều trị. Phải biết quản lý thời gian, sắp xếp lịch trình, công việc sao cho hợp lý và nhanh gọn. Đồng thời cũng cần biết quản lý cảm xúc nhằm tránh suy nghĩ tiêu cực có thể dẫn đến trầm cảm khi giải quyết các vấn đề lớn", thạc sĩ-bác sĩ Bùi Đình Hoàn nói về những yếu tố cần ở người học điều dưỡng.
Điều kiện bắt buộc để trở thành điều dưỡng
Để trở thành điều dưỡng chính thức, người học cần đáp ứng điều kiện bắt buộc là chứng chỉ hành nghề. Sinh viên học điều dưỡng sau khi tốt nghiệp phải thực hành trong thời gian 9 tháng tại các cơ sở y tế công để có chứng chỉ hành nghề.