Một buổi tối đầu năm,ạndụnamsinhchụpảnhkhỏathânđểtốngtiềnởMỹhetalia Lynn và Paul, bố mẹ của Michael, đang ngồi trong nhà ở Seattle thì con trai xông vào phòng, đi thẳng tới chỗ ví mẹ để trên bàn ăn. Paul hỏi cậu bé định làm gì. Michael khựng lại, hít một hơi thật sâu, dựa vào tường nói: "Con bị tống tiền".
Michael cho hay đã trò chuyện với một người trên Instagram và Snapchat tự nhận là nữ sinh 16 tuổi. Cô ta xem thông tin cá nhân của Michael và khen cậu dễ thương. Michael chưa từng gặp người này, nhưng tài khoản cá nhân đầy ảnh và thông tin chi tiết về cuộc đời cô gái khiến cô ta có vẻ là người thật. Hai người nhắn tin và tán tỉnh qua lại.
Cô ta đòi xem ảnh khỏa thân của Michael, yêu cầu chụp cả mặt. Ở một mình trong phòng tối hôm đó, Michael vội vàng chụp bằng điện thoại. Người có vẻ dễ thương và hài hước khi trò chuyện với Michael suốt nhiều tuần bất ngờ trở mặt, đòi cậu chuyển khoản hàng trăm USD qua ứng dụng thanh toán Zelle. Nếu từ chối, người này đe dọa sẽ gửi ảnh khỏa thân của Michael cho gia đình và bạn bè cậu.
Michael cài ứng dụng Zelle vào máy nhưng phần mềm yêu cầu số an sinh xã hội. Đó là lý do Michael lục ví của mẹ. Cậu hy vọng tìm thấy thẻ của mình trong ví mẹ.
Michael trở thành nạn nhân của nạn lừa tình tống tiền, theo các chuyên gia thực thi pháp luật và an toàn trực tuyến. Những kẻ săn mồi kết bạn với nạn nhân dưới tên giả, dụ dỗ họ gửi ảnh rồi tống tiền kèm lời đe dọa sẽ tiết lộ cho bạn bè và gia đình nạn nhân nếu từ chối trả tiền.
Lauren Coffren, giám đốc điều hành của Ban chống lạm dụng trẻ em thuộc Trung tâm quốc gia về trẻ em mất tích và bị bóc lột (NCMEC), cho hay số vụ tống tiền nhằm vào thanh thiếu niên "đang bùng nổ trong vài năm qua", đặc biệt nhằm vào nam sinh.
"Chúng lợi dụng sự xấu hổ, bối rối và sợ hãi, đánh vào tâm lý đó", Coffren nói. "Chúng lợi dụng những gì trẻ em sợ hãi nhất".
NCMEC năm 2022 nhận được hơn 10.000 trình báo về tống tiền bằng ảnh thanh thiếu niên, chủ yếu là nam sinh, từ người dân và các nhà cung cấp dịch vụ như Facebook, Instagram hay Snapchat. Đến cuối tháng 7, NCMEC đã nhận được hơn 12.500 báo cáo và chuyển chúng tới cơ quan thực thi pháp luật. Số lượng các vụ trình báo vẫn liên tục tăng lên. Coffren nhận định tình hình rất đáng lo ngại.
Mike Prado, phó trợ lý giám đốc tại Trung tâm tội phạm điều tra an ninh mạng, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc trình báo các trường hợp lừa tình tống tiền bởi đây là cách duy nhất để cơ quan chức năng tiến hành điều tra và truy tố. Ông lưu ý không phải vụ lừa đảo nào cũng được trình báo.
Theo FBI, hậu quả rất nặng nề. Ít nhất 10 nam sinh đã tự tử năm 2022 sau khi bị tống tiền. Các nhà nghiên cứu cho hay thanh thiếu niên đặc biệt dễ bị tổn thương bởi đây là giai đoạn phát triển trí não.
"Trung tâm của chúng tôi nhận được rất nhiều yêu cầu trợ giúp từ nạn nhân nam", Sameer Hinduja, đồng giám đốc Trung tâm nghiên cứu đe dọa trực tuyến, giáo sư tội phạm học giảng dạy ở Đại học Florida Atlantic, nói.
Quay lại với Michael, cha mẹ cậu bé rất ngạc nhiên khi biết con bị tống tiền. Họ đã thoải mái cho phép con cái sử dụng Internet nhưng thường xuyên trao đổi với Michael và em trai về tính an toàn. Tới năm Michael 13 tuổi họ mới cho con dùng mạng xã hội, đồng thời luôn khuyên con tránh xa người lạ trên mạng. Họ thậm chí dùng dịch vụ trả tiền Life360, chương trình theo dõi vị trí con cái. Michael và em trai vốn chưa từng gặp rắc rối, thường đạt điểm cao ở trường, tích cực tham gia thể thao.
"Chúng tôi thường xuyên trò chuyện về vấn đề này", Lynn nói. "Do đó tôi bất ngờ khi con trai bị lừa".
Lynn nói với con rằng họ sẽ không gửi một xu nào cho kẻ lừa đảo. Họ chụp màn hình cuộc trò chuyện làm bằng chứng, chặn tài khoản và báo cáo với Snapchat, Instagram. Michael thở phào nhẹ nhõm bởi kẻ lừa đảo không làm như đã đe dọa.
Theo các chuyên gia, cha mẹ của Michael đã xử lý thích đáng. Bản chất của trò lừa đảo là thiếu niên thường suy sụp khi phải trải qua một mình. Theo Emily Mulder, giám đốc chương trình Viện an toàn gia đình trực tuyến, cha mẹ nên đặt ra quy tắc và ranh giới cho con cái khi sử dụng Internet, đồng thời cần khuyên bảo rằng nếu con gặp rắc rối, hãy sẵn sàng chia sẻ với cha mẹ hoặc người giám hộ để nhờ giúp đỡ.
"Đừng để con cái quá sợ hãi mắc lỗi tới mức chúng không dám nói với cha mẹ khi xảy ra chuyện", Mulder nói.
Năm 2022, một vụ lừa tình tống tiền ở Mỹ gây xôn xao thế giới. Jordan DeMay, 17 tuổi, tự tử sau khi bị những kẻ lừa đảo ở Tây Phi nhằm mục tiêu. Ba người Nigeria đối mặt truy tố. Hồi tháng 8, hai anh em Samson và Samuel Ogoshi bị dẫn độ sang Mỹ với cáo buộc tham gia đường dây tống tiền tình dục quốc tế. Họ không nhận tội và luật sư biện hộ từ chối trả lời.
Jennifer Buta và John DeMay, bố mẹ của Jordan, công khai chuyện của con nhằm cảnh báo các bậc cha mẹ. "Gia đình chúng tôi đã thay đổi vĩnh viễn bởi tội ác ghê tởm này. Mục tiêu của chúng tôi là ngăn chặn có thêm nạn nhân", họ tuyên bố.
"Trẻ em, thiếu niên, thậm chí cả người trưởng thành, đều có thể là mục tiêu tống tiền tình dục. Chúng tôi kêu gọi mọi người thảo luận vấn đề này, lên phương án xử lý nếu con bạn rơi vào trường hợp bị tống tiền", Buta nói.
Theo cáo trạng, nghi phạm bị cáo buộc mua tài khoản mạng xã hội bị đánh cắp của các thiếu nữ, dụ dỗ các nam thiếu niên vào chat sex. Jordan bị nhắm mục tiêu qua tài khoản Instagram và bị những kẻ tống tiền đòi 1.000 USD. Nghi phạm thu thập thông tin về quê quán, trường học, nơi làm việc, bạn bè thân thiết của nạn nhân. Ngoài Jordan, ba nghi phạm còn bị cáo buộc lừa đảo khoảng 100 thiếu niên khác.
Ba nghi phạm chỉ lớn hơn nạn nhân vài tuổi, đang bị cáo buộc các tội danh về lợi dụng tình dục trẻ vị thành niên dẫn đến tử vong và âm mưu phân phối nội dung khiêu dâm trẻ em. Nếu bị kết tội, họ sẽ đối mặt án tù hàng chục năm tại Mỹ.
Giới chức Mỹ cho hay các quốc gia Tây Phi, đặc biệt là Nigeria và Bờ Biển Ngà, là những nơi khởi nguồn các vụ tấn công nhằm vào thiếu niên ở Mỹ và những quốc gia nói tiếng Anh khác.
Prado và đồng nghiệp đang chú ý nhiều đến Bờ Biển Nga, quốc gia không có hiệp ước dẫn độ với Mỹ. Ông cho hay chính phủ hai nước vẫn duy trì liên lạc, tìm phương án tốt hơn để phát hiện mạng lưới lừa đảo nhằm mục tiêu vào thanh thiếu niên Mỹ. Prado đã tiếp Bộ trưởng An ninh Bờ Biển Nga tại trụ sở Trung tâm tội phạm mạng ở Washington hồi đầu năm để thảo luận vấn đề này.
Prado và Rebecca Kudgus, giám đốc đơn vị điều tra lạm dụng trẻ em của Cơ quan điều tra Bộ Nội vụ (HSI) Mỹ, dự định tới Bờ Biển Ngà để thảo luận với giới chức đất nước này.
Hồi tháng 2, giới chức Mỹ, Canada, Australia, New Zealand và Anh, cũng cảnh báo về vấn đề này. "Lừa đảo tống tiền tình dục có tác động vượt xa khỏi phạm vi đất nước và con em chúng ta. Đây là cuộc khủng hoảng toàn cầu đòi hỏi ai cũng cần chú ý", giám đốc FBI Christopher A.Wray nói.
Hồng Hạnh(Theo Washington Post)