Trung tâm hỗ trợ xã hội TP.HCM sẽ xem xét nguyện vọng của từng trường hợp người lang thang xin ăn để giải quyết hồi gia,ườilangthangxinănởTPHCMChotiềnlàvôtìnhtiếcuộc đua cuộc thi hội nhập cộng đồng hoặc chuyển họ đến các trung tâm hỗ trợ xã hội khác phù hợp. Riêng đối với trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật thần kinh, tâm thần thì chỉ giải quyết hồi gia khi có người thực hiện đơn đề nghị.
PV Thanh Niênđến Trung tâm hỗ trợ xã hội TP.HCM để ghi nhận công tác tiếp nhận, xử lý các trường hợp lang thang, xin ăn được TP.Thủ Đức và Q.Phú Nhuận lập hồ sơ đưa vào.
Theo đó, tại trung tâm, các trường hợp được bố trí chỗ ở theo giới tính, sức khỏe, độ tuổi để dễ quản lý và chăm sóc. Các phòng được trang bị đầy đủ cơ sở vật chất, sinh hoạt. Ngoài ra, trung tâm còn các phòng chức năng như phòng y tế, phòng ăn.
Tại đơn vị, chúng tôi gặp được thân nhân chị N.T.H (trường hợp khuyết tật, ngồi xe lăn xin ăn tại nút giao thông Lã Xuân Oai - Võ Chí Công, P.Tăng Nhơn Phú, TP.Thủ Đức) đang hoàn tất thủ tục để bảo lãnh chị H. về nhà. Chị gái của chị H. nói: "Có nghe nói gần đây H. đi theo người ta xin ăn "cũng được" lắm, rồi mình cũng khuyên H. đừng có đi, ở nhà lo cho H. được. Sau đợt này về là gia đình sẽ quản lý chặt chẽ hơn".
Phòng sinh hoạt của các trường hợp lang thang xin ăn đưa về Trung tâm hỗ trợ xã hội TP.HCM
TRỌNG NGHĨA
Ngoài ra, chị L.T.M.Đ (47 tuổi, khiếm thị) cũng được TP.Thủ Đức lập hồ sơ đưa vào, cho biết muốn hồi gia nên đã gọi về gia đình để đến bảo lãnh. "Ở Trung tâm hỗ trợ xã hội TP.HCM được chăm lo, tôi cũng muốn ở đây luôn nhưng mà nhớ con quá nên phải xin về", bà Đ. nói.
Ngày 18.12, Trung tâm hỗ trợ xã hội TP.HCM cho biết những trường hợp mà TP.Thủ Đức, Q.Phú Nhuận đưa vào đa số đã được giải quyết hồi gia.
Theo ông Nguyễn Trường Duy, Giám đốc Trung tâm hỗ trợ xã hội TP.HCM, tính từ đầu năm tới nay, đơn vị đã tiếp nhận 1.151 người lang thang xin ăn từ các quận, huyện và TP.Thủ Đức. Trong đó, có khoảng 96 trẻ em, 218 người cao tuổi. Hiện đã chuyển 549 người đến các cơ sở xã hội khác như Trung tâm bảo trợ xã hội Tân Hiệp, Chánh Phú Hòa, Làng Thiếu niên TP.Thủ Đức, Trung tâm bảo trợ người tàn tật Hiệp Bình Chánh (cơ sở công lập)…
Theo Quyết định 812 năm 2023 của UBND TP.HCM, khi tiếp nhận các trường hợp người lang thang xin ăn, đơn vị sẽ tiến hành khám sức khoẻ, bố trí chỗ ở cho phù hợp. Ví dụ, người già sẽ được bố trí gần khu vực y tế, trẻ em thì ở khu vực dễ quan sát…
Theo quy định về chế độ chăm sóc, nuôi dưỡng tại cơ sở trợ giúp xã hội thì tiền ăn của người được tiếp nhận vào là 63.000 đồng/ngày và cấp vật dụng phục vụ cho sinh hoạt thường ngày là 700.000 đồng/người (cho suốt thời gian ở cơ sở xã hội, tối đa là 90 ngày - PV).
"Trong quá trình chăm sóc nuôi dưỡng, khi làm hồ sơ tiếp cận các trường hợp, đơn vị sẽ nắm việc lý do vì sao xin ăn, ở ngoài đường, sinh sống nơi công cộng. Nếu phát hiện có dấu hiệu chăn dắt thì sẽ cùng với công an, chính quyền xử lý ngay", ông Duy cho hay.
Qua sàng lọc cũng sẽ biết trường hợp nào hồi gia, hòa nhập cộng đồng. Còn lại, trẻ em dưới 16 tuổi sau thời gian đã xác minh không có người thân, không ai bảo lãnh sau khoảng 20 ngày, thì đơn vị sẽ đề xuất Sở LĐ-TB-XH TP.HCM chuyển qua Trung tâm công tác xã hội - giáo dục dạy nghề thiếu niên TP.HCM để các em được học văn hóa, học nghề.
Theo ông Nguyễn Trường Duy, công tác tập trung người lang thang, xin ăn được UBND TP.HCM, Sở LĐ-TB-XH TP.HCM… chỉ đạo quyết liệt trong nhiều cuộc họp. Ngày 6.10, Sở LĐ-TB-XH đã sơ kết 6 tháng thực hiện Quyết định 812. Qua đó cho thấy số lượng tập trung người lang thang tăng tới 30% so với cùng kỳ năm 2022. Quy định tại Quyết định 812 thể hiện sự quan tâm hơn đối chế độ ăn của người được tập trung, từ 30.000 đồng lên hơn 60.000 đồng/người/ngày.
Ngoài ra, lãnh đạo các quận, huyện, phòng LĐ-TB-XH các địa phương cũng rất chủ động ký kết kế hoạch liên tịch với Trung tâm hỗ trợ xã hội TP.HCM để lập tổ công tác khảo sát, tập trung người lang thang, xin ăn và sự phối hợp liên ngành này được thực hiện hiệu quả.
Tuy nhiên, theo ông Duy, hiện người lang thang xin ăn giãn địa bàn về các cửa ngỏ, những giao lộ ngoại ô. Họ thường di chuyển địa điểm xin ăn liên tục và điều này gây khó cho đoàn công tác ở địa phương khi đi thu dung đối tượng.
Trong khi đó, người dân vẫn còn thói quen trực tiếp cho tiền người lang thang, xin ăn; nhiều tổ chức, cá nhân hay phát cơm, tiền cho họ ban đêm. Ông Duy cho rằng điều này vô tình "tiếp tay", tạo "động lực" cho người lang thang tiếp tục xin ăn, không nghĩ đến tìm việc, ổn định cuộc sống.
Ông Nguyễn Thái Tuấn Anh, Phó chủ tịch UBND P.An Phú (TP.Thủ Đức) cho biết, giữa tháng 11 vừa qua, tổ công tác của phường đã tập trung 11 người Campuchia (gồm 7 người lớn, 4 trẻ em) để đưa về cơ sở hỗ trợ xã hội. Những người này đứng xin ăn tại đường dẫn vào cao tốc Long Thành - Dầu Giây và đoạn cầu Rạch Chiếc - cầu Sài Gòn.
Theo đánh giá của lãnh đạo P.An Phú, khó khăn lớn nhất của việc tập trung người lang thang là đa số họ không phải người địa phương, thay vào đó ở nơi khác và thường di chuyển nhiều phương tiện như xe buýt, xe ôm để dừng ngay tại các điểm nút giao thông, đặc biệt là những nơi có số giây chờ đèn đỏ lâu, để xin ăn.
Chưa kể, có nhiều trường hợp cử người "cảnh giới" ngay tại UBND phường, nếu thấy người chuyên trách từ UBND chạy xe ra là đánh động để người xin ăn rời khỏi. Do đó, khi muốn tuần tra xử lý, tổ công tác phường phải chạy đi hướng khác, đi đường vòng…
"Nhiều người nhận dạng được lực lượng. Có khi tan ca, anh em đi làm về đứng chờ đèn đỏ, họ nhìn thấy mình là ngay lập tức bỏ chạy hoặc gật đầu chào. Nên nếu phối hợp chặt thì tổ công tác mới tập trung người lang thang, vì sợ nguy hiểm", ông Nguyễn Thái Tuấn Anh chia sẻ.
Theo Sở LĐ-TB-XH TP.HCM, thời gian qua, người dân chủ động thông tin, phản ánh trường hợp người xin ăn và các vụ việc có dấu hiệu chăn dắt người xin ăn để trục lợi cho các cơ quan chức năng xử lý. Cạnh đó, công tác phối hợp liên ngành trong tiếp nhận người lang thang ăn xin trước khi bàn giao vào các cơ sở trợ giúp xã hội kịp thời, hiệu quả.
Tuy nhiên, tình trạng "tái" lang thang, xin ăn vẫn còn cao. Người lang thang, xin ăn ngày càng có nhiều hành vi đối phó với lực lượng chức năng như bán vé số, tăm bông, bút bi, kẹo cao su… hay hoạt động ngoài giờ làm việc, ngày nghỉ cuối tuần, giờ nghỉ trưa và di chuyển lưu động giữa các địa bàn nên các tổ công tác cũng khó quản lý, tập trung đối tượng.
Một đề cập khác được Sở LĐ-TB-XH TP.HCM nêu chính là hiện nay quy định thời gian quản lý đối tượng cần bảo vệ khẩn cấp không quá 90 ngày nên việc hỗ trợ học văn hoá, học nghề cho các trường hợp còn đối diện thách thức. Nếu người được tiếp nhận vào các cơ sở không tìm được việc làm phù hợp thì dễ dẫn đến khả năng tái lang thang, xin ăn.
Kêu gọi người dân không trực tiếp cho tiền người lang thang, xin ăn
Theo Sở LĐ-TB-XH TP.HCM, ngày 19.12, đơn vị đã xin ý kiến UBND TP.HCM ban hành văn bản chỉ đạo của về việc tăng cường công tác quản lý, tập trung người lang thang, xin ăn. Theo đó, Sở LĐ-TB-XH cũng đề xuất các giải pháp, phân công phân vai trò trách nhiệm của các đơn vị liên quan và kêu gọi sự chung tay của toàn xã hội, nhất là việc không trực tiếp cho tiền người lang thang xin ăn.
Giám đốc Trung tâm hỗ trợ xã hội TP.HCM Nguyễn Trường Duy cũng tin rằng các tổ chức chính trị - xã hội cũng cần chung tay truyền thông mạnh mẽ thêm về việc không trực tiếp cho tiền người xin ăn, hay truyền thông các chủ nhà trọ có nhóm người lang thang xin ăn thì phối hợp báo cáo ngay với chính quyền địa phương.